Dàn ý phân tích các tác phẩm thơ - Lớp 9 || Học kì 2

Ngày 07/04/2023 11:56:32, lượt xem: 4511

Đây chính là phần tài liệu mà chắc chắn 2k8 nào cũng đang cần - Dàn ý phân tích các tác phẩm thơ lớp 9 (Phần 2). Các em có thể dựa vào phần dàn ý, sau đó viết thành bài văn hoàn chỉnh mang màu sắc cá nhân nhaa

 

------------------------------

 

  • MÙA XUÂN NHO NHỎ

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

II. Thân bài

  1. Khái quát tác giả, tác phẩm

  2. Phân tích

2.1: Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên

  • Bức tranh thiên nhiên:

  • Hình ảnh giản dị, tươi đẹp: “dòng sông”, “bông hoa”, “chim chiền chiện”.

  • Màu sắc hài hòa, tươi tắn: “xanh”, “tím biếc”.

  • Âm thanh vang vọng, tươi vui, rộn rã: tiếng chim chiền chiện hót vang trời.

  • Không gian cao rộng, khoáng đạt: “dòng sông”, bầu trời.

  • Đảo cấu trúc câu, đảo ngữ: “từ “mọc” được đưa lên đầu đã tô đậm sức sống mạnh mẽ của bông hoa tím trên dòng sông, gợi sức sống mãnh liệt, tràn trề của mùa xuân.

=> sức sống trỗi dậy của vạn vật, ngòi bút miêu tả sinh động, tinh tế, giàu sức tạo hình.

=> Bức tranh mùa xuân tươi đẹp, nên thơ, căng tràn sức sống, đậm màu sắc xứ Huế.

  • Cảm xúc của tác giả:

  • Tiếng gọi “Ơi con chìm chiền chiện” đã nhận hóa hình tượng chim chiền chiện để nhà thơ có thể cất tiếng gọi trìu mến, yêu thương, gắn bó sâu nặng.

  • Hình ảnh “giọt long lanh” rất độc đáo, có thể hiểu là giọt sương, giọt mưa xuân, nhưng đặt trong mối quan hệ với câu trước, ta có thể hiểu đây là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện.

  • Tác giả sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, tiếng chim vốn là âm thanh vô hình, chỉ có thể cảm nhận bằng thính giác nay lại được tiếp xúc như những “giọt long lanh” hữu hình, có hình khối, kích thước, cảm nhận bằng thị giác. Và thi nhân, trước những âm thanh trong trẻo ấy đã có những cảm nhận bằng xúc giác - vội đưa tay hứng lấy một cách trân trọng, trìu mến.

=> Cảm xúc của tác giả: say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời lúc vào xuân.

 

2.2: Khổ 2 + 3: Cảm xúc trước mùa xuân đất nước

  • Điệp ngữ “mùa xuân” nhấn mạnh không khí đẹp tươi của đất trời và tâm thế vui tươi của lòng người.

  • Từ “lộc” vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ:

  • “Lộc” là chồi non, lá biếc:

  • “Lộc giắt đầy trên lưng”: gợi những cành lá ngụy trang của người chiến sĩ.

  • “Lộc trải dài nương mạ”: gợi cánh đồng màu mỡ, xanh tươi của người nông dân.

  • “Lộc”: mùa xuân, sức sống, thành quả hạnh phúc. “Lộc” còn được hiểu là những điều tốt đẹp, may mắn đến với những “người cầm súng” và người ra đồng - hai lực lượng gắn liền với hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng của đất nước ta lúc bấy giờ, nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quê hương và nhiệm vụ lao động sản xuất.

  • Những người lính ra trận và những người lao động ở hậu phương dường như đã mang theo cả mùa xuân trên vai, trên lưng và chính họ đã làm ra mùa xuân cho đất nước, cho dân tộc.

  • Điệp ngữ, biện pháp so sánh, từ láy được kết hợp sử dụng trong câu thơ “Tất cả như hối hả / Tất cả như xôn xao” đã tạo nhịp điệu tươi vui, rộn rã, nhấn mạnh khí thế và tinh thần phấn chấn của con người, của đất nước trong mùa xuân.

  • Suy ngẫm của tác giả về đất nước khi xuân về:

  • Trong quá khứ, đất nước được nhân hóa “vất vả và gian lao” cho thấy phút lắng lòng, tự hào của nhà thơ về lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc.

  • Ở hiện tại và tương lai, đất nước được so sánh “như vì sao / Cứ đi lên phía trước” khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt của đất nước.

=> Suy nghĩ chân thành, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

 

2.3: Khổ 4 + 5: Ước nguyện của nhà thơ

  • Ước nguyện được hòa nhập, được cống hiến thật giản dị mà thiêng liêng:

  • Phép điệp cấu trúc: “Ta làm”, “Ta nhập” thể hiện khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng, mong muốn được cống hiến.

  • Lựa chọn hình ảnh tự nhiên, giản dị: “con chim hót”, “một cành hoa”, “một nốt trầm” gợi ước nguyện cống hiến khiêm nhường, thầm lặng. Qua đó, gợi cho người đọc lẽ sống chân thành: mong muốn được sống có ích là một lẽ tự nhiên trong cuộc đời.

  • Làm con chim hót giữa muôn ngàn tiếng chim vô tư, cất tiếng hót tự nhiên thật đẹp dâng cho đời.

  • Làm một cành hoa giữa vườn hoa rực rỡ sắc xuân cống hiến sắc hương.

  • Làm một nốt trầm trong bản hòa ca muôn điệu, xao xuyến lòng người.

  • Sự chuyển đổi địa từ nhân xưng “tôi” (ở khổ đầu) sang “ta” (khổ 4) thể hiện dụng ý nghệ thuật, phù hợp với sự chuyển biến của cảm xúc và tư tưởng trong bài thơ:

  • Đại từ “tôi” ở khổ đầu biểu hiện một cái “tôi” cụ thể rất riêng của nhà thơ, vừa thể hiện được sự nâng niu, trân trọng với vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân.

  • Đại từ “ta” ở khổ 4 tạo được sắc thái trang trọng, thiêng liêng của một lời ước nguyện, bày tỏ điều tâm niệm tha thiết như một khát vọng dâng hiến những giá trị tinh túy của đời mình cho cuộc đời chung. Hơn nữa, điều tâm niệm ấy không chỉ của riêng nhà thơ, cái “tôi” tác giả đã nói thay cho nhiều cái “tôi” khác để trở thành khát khao của cái “ta” chung. Sống có ích, sống cống hiến không chỉ là khát vọng của riêng một mình nhà thơ mà còn là của nhiều người, của chung cộng đồng, nhân dân, đất nước.

  • Hình ảnh thơ “mùa xuân nho nhỏ” là hình ảnh ẩn dụ, gắn liền với quan niệm sống và cống hiến cho cộng đồng. Đồng thời, thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ muốn đóng góp những gì nhỏ bé nhưng tốt đẹp nhất vào mùa xuân của đất nước.

  • Khát vọng cống hiến vượt qua không gian và thời gian:

  • Đảo ngữ “lặng lẽ” nhấn mạnh thái độ cống hiến tự nguyện, âm thầm.

  • Phép điệp “dù là” kết hợp với biện pháp hoán dụ “tuổi hai mươi” (chỉ tuổi trẻ) - “khi tóc bạc” (chỉ tuổi già) khẳng định ước nguyện cống hiến suốt cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện.

  •  

2.4: Khổ 6: Lời ngợi ca đất nước qua điệu dân ca xứ Huế

  • Câu “Nam ai” là khúc nhạc buồn thương, da diết để gợi con đường đầy hi sinh, gian khổ mà đất nước đã đi qua.

  • Câu “Nam bình” là khúc nhạc êm ái, dịu ngọt để gợi mùa xuân hiện tại với cuộc sống thanh bình, no ấm.

  • “Nhịp phách tiền” là điệu nhạc rộn ràng để khép lại bài thơ, đó là giai điệu của cuộc sống mới, sức sống mới của dân tộc.

=>  Âm hưởng dân ca Huế ngọt ngào, tha thiết.

  • Điệp ngữ “nước non ngàn dặm” kết hợp gieo vần bằng “bình, mình, tình” đã tạo một âm hưởng nhẹ nhàng như câu hò xứ Huế. 

  • Con người Việt Nam trọng tình cảm, luôn sống trọn vẹn với những giá trị truyền thống của dân tộc. “Ngàn dặm” ở đây là một con số tượng trưng cho sự rộng lớn, bao la. Hình ảnh “nước non ngàn dặm” ấy đã trở thành một mênh mông, vô bờ của tình nghĩa Việt Nam.

 

  1. Đánh giá nội dung và nghệ thuật

III. Kết bài

 

ĐỌC THÊM: DÀN Ý PHÂN TÍCH CÁC TÁC PHẨM LỚP 9 - HỌC KÌ 2

 

  • SANG THU

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

II. Thân bài

  1. Khái quát tác giả, tác phẩm

  2. Phân tích

2.1: Khổ 1: Những tín hiệu giao mùa

  • Tín hiệu đầu tiên là “hương ổi”: Đây là một mùi hương gợi nhớ đến tuổi ấu thơ. Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ, xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta, mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành chiếc chìa khóa vàng mở vào tâm hồn chúng ta.

  • “Hương ổi” đi liền với từ “bỗng” được đặt ở đầu câu thơ đã diễn tả cảm giác bất ngờ, đột ngột, ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình.

  • “Hương ổi” đi liền với động từ “phả” diễn tả một làn hương ngào ngạt, sánh đậm, lan tỏa khắp không gian

  • Tác giả lựa chọn làn “gió se” làm tín hiệu thứ hai cho khoảnh khắc giao mùa:

  • “Gió se” là ngọn gió heo may đặc trưng của mùa thu đất Bắc. Đó là một thứ gió khô và thoáng chút se lạnh.

  • Làn “gió se” ấy đã làm dịu đi cái nắng oi ả, gay gắt của mùa hạ và khiến cho làn “hương ổi” như sánh lại và trở nên ngọt ngào hơn.

  • Tín hiệu thứ ba là những màn sương:

  • Cảm nhận của tác giả có sự thay đổi từ khứu giác, xúc giác sang cảm nhận bằng thị giác.

  • Nghệ thuật nhân hóa qua từ láy “chùng chình” đã gợi lên dáng vẻ lãng đãng như đợi chờ, cố ý chậm lại đầy lưu luyến của màn sương. 

  • Trước khoảnh khắc giao mùa ấy, tác giả đã giật mình, bối rối: “Hình như thu đã về”

  • “Hình như” là một lối nói giả định, phán đoán không chắc chắn, với một chút nghi hoặc. Nhưng lại rất phù hợp để diễn tả về cảm nhận mơ hồ lúc giao mùa.

  • Sự kết hợp một loạt các từ “bỗng”, “phả”, “hình như” đã thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, vui mừng, hạnh phúc của tác giả trong phút giao mùa của vạn vật.

=> Đó là những cảm nhận tinh tế của tác giả lúc thu sang và đối diện với những khoảnh khắc ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. 

 

2.2: Khổ 2: Quang cảnh thiên nhiên lúc sang thu

  • Hai câu thơ đầu: Có cấu trúc đối tự nhiên, chặt chẽ đã diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên và lòng người phút giao mùa

  • Hình ảnh “dòng sông” được nhân hóa qua từ láy “dềnh dàng”:

  • Tả thực một dòng sông tĩnh lặng, trong trẻo với dòng chảy êm đềm.

  • Con sông được nhân hóa như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông. 

  • Đi liền với từ “được lúc” gợi ta liên tưởng đến hình ảnh những con người đã đi qua thời chiến, trải qua lửa đạn giờ đang được sống chậm lại, đến lúc được nghỉ ngơi.

  • Hình ảnh những chú “chim” được nhân hóa qua từ láy “vội vã”:

  • Tả thực những cánh chim di cư bay về phương Nam để tránh rét.

  • Những cánh chim được nhân hóa như bắt đầu nhanh hơn, gấp gáp hơn khi nhận ra những đợt gió heo may se lạnh đang ùa về.

  • Đi liền với từ “bắt đầu” gợi ta liên tưởng đến những người lính bước ra từ trong chiến tranh. Họ cứ ngỡ đã đến lúc phải nghỉ ngơi để suy ngẫm, song lại chính là lúc họ bắt đầu phải “vội vã”, tất bật trong những lo toan của cuộc sống mới.

  • Nghệ thuật đối được tác giả sử dụng một cách nhịp nhàng, tài tình qua hình ảnh “dềnh dàng”  >< “ vội vã” đã:

  • Làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa.

  • Làm nổi rõ hai tâm trạng trái ngược nhau của con người khi bước từ chiến tranh sang hòa bình.

  • Hai câu sau: Đám mây mùa hạ được nhân hóa rất đẹp, gợi hình dung mây mỏng như dải lụa treo trên bầu trời, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa nghiêng về mùa thu. Đám mây được cảm nhận tinh tế tựa như giữa mùa hạ và mùa thu vẫn có một ranh giới mơ hồ, quyến luyến nào đó, mùa hạ chưa thật đi qua và mùa thu đã chớm về.

=> Khoảnh khắc giao mùa được tái hiện rất tinh tế, sống động bằng những câu thơ giàu giá trị tạo hình. Và ẩn sau khoảnh khắc đó còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu với biết bao biến chuyển.

 

2.3: Khổ 3: Những suy ngẫm về cuộc đời

  • Những biến chuyển của thiên nhiên:

  • Nghệ thuật đối qua hình ảnh “vẫn còn” > < “vơi dần”; “nắng” >< “mưa” đã tái hiện sự vận động trái chiều của hai hiện tượng thiên nhiên.

  • Hình ảnh “nắng và mưa” là những hiện tượng của thiên nhiên vận hành theo quy luật và có thể dự báo.

  • Tác giả đã mượn những hiện tượng thiên nhiên quen thuộc, dễ nắm bắt để cụ thể hóa khoảnh khắc giao mùa.

  • Những từ ngữ chỉ mức độ, ước lượng: “vẫn còn”, “bao nhiêu”, “vơi”, “bớt” được sắp xếp theo trình tự giảm dần, cho thấy dấu hiệu của mùa hạ đang nhạt dần và những dấu hiệu của mùa thu ngày một đậm nét hơn.

=> Tác giả đã làm hiện hình bước chân của mùa thu giữa đất trời.

  • Đối diện với mùa thu của đất trời, trong lòng nhà thơ dào dạt bao suy ngẫm về đời người lúc chớm thu qua những hình ảnh giàu sức gợi: Hình ảnh “sấm” đi liền với lối miêu tả “bớt bất ngờ” “trên hàng cây đứng tuổi”: 

  • “Sấm” là tượng trưng cho những biến động bất thường, những khó khăn mỗi người có thể gặp phải trên đường đời.

  • Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” tượng trưng cho những lớp người đã từng trải, có kinh nghiệm dày dặn, đã từng trải qua bao sóng gió gian nan của cuộc đời.

=> Khổ thơ đã bộc lộ trọn vẹn những khoảnh khắc thiên nhiên và đời người khi sang thu, với những cảm nhận tinh tế và suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ.

 

  1. Đánh giá nội dung và nghệ thuật

III. Kết bài

 

ĐĂNG KÍ NGAY: KHÓA HỌC CHẠY VĂN

 

  • VIẾNG LĂNG BÁC

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

II. Thân bài

  1. Khái quát tác giả, tác phẩm

  2. Phân tích

2.1: Khổ 1: Cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác

  • Câu thơ mở đầu như một lời thông báo ngắn gọn, giản dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm:

  • Cách xưng hô “con” - “Bác” vừa gần gũi, ấm áp, thân thương, vừa kính trọng, thiêng liêng như tình cảm của đứa con đối với người cha của mình. => Tâm trạng của một người con Nam Bộ sau bao nhiêu năm mong mỏi giờ đây đã được tới lăng viếng Bác.

  • “thăm”: nói giảm nói tránh => làm giảm nhẹ, vơi bớt đi nỗi đau mất mát, đồng thời khẳng định Bác vẫn còn sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam.

  • Từ cảm thán, câu đặc biệt “Ôi!” thể hiện niềm xúc động đang dâng trào mãnh liệt.

  • Hình ảnh “hàng tre xanh xanh”:

  • Ý nghĩa tả thực: khung cảnh bên ngoài lăng Bác có hàng tre xanh ẩn hiện trong sương

  • Ý nghĩa ẩn dụ: biểu tượng cho con người, dân tộc Việt Nam. Thành ngữ “bão táp mưa sa” nhằm chỉ những khó khăn gian khổ mà dân tộc ta đã vượt qua, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Trong “bão táp mưa sa” ấy, hàng tre vẫn đứng thẳng hàng hay chính là nhân dân Việt NAm đoàn kết, bền bỉ đứng bên Bác, kiên cường thực hiện lí tưởng cao cả. 

 

2.2: Khổ 2: Cảm xúc của nhà thơ khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác

  • Nghệ thuật sóng đôi, ẩn dụ trong hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” và “mặt trời trong lăng”

  • “Mặt trời đi qua trên lăng” là mặt trời của tự nhiên, đem lại hơi ấm, ánh sáng, sự sống cho muôn loài.

  • “Mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ - người đã soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam, đem đến ánh sáng của tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân tộc. 

  • Mặt trời “rất đỏ” gợi trái tim tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, giàu lòng yêu nước, thương dân của Người. Chính vì thế mà mặt trời tự nhiên dường như cũng đang ngày ngày chiêm ngưỡng mặt trời của dân tộc.

  • Điệp từ “ngày ngày” thể hiện sự tiếp nối thời gian liên tục, tạo nhịp điệu chậm rãi, sâu lắng.

  • Hình ảnh ẩn dụ “kết tràng hoa”

  • “Bảy mươi chín mùa xuân” chỉ bảy mươi chín năm cuộc đời Bác, một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và chính Người. 

 

2.3: Khổ 3: Cảm xúc của nhà thơ khi vào trong lăng Bác

  • Câu thơ đầu sử dụng phép nói giảm nói tránh “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” giúp làm giảm nỗi đau buồn, xót xa.

  • Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền”:

  • Tả thực không gian trong lăng có ánh sáng dịu nhẹ tựa như ánh trăng

  • Ẩn dụ:

  • Gợi tâm hồn và nhân cách thanh cao, trong sáng của Bác

  • Gợi nhắc đến những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người; gợi nhắc đến trăng -  người bạn tri âm tri kỉ giờ đây đã đến bên Người, ôm ấp che chở cho giấc ngủ ngàn thu của Người.

  • Khẳng định Bác còn sống mãi cùng non sông, đất nước.

  • Hình ảnh “trời xanh là mãi mãi”

  • Tả thực thiên nhiên gần gũi với con người, tồn tại mãi mãi và vĩnh hằng.

  • Ẩn dụ:

  • Bác đã hóa thân vào thiên nhiên đất trời

  • Bác còn sống mãi trong tâm trí của muôn triệu người dân Việt Nam.

=> Cả hai cách diễn đạt đều thể hiện lòng thành kính, biết ơn của tác giả đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

  • “Mà sao nghe nhói ở trong tim”: nỗi đau xót được biểu hiện rất cụ thể, trực tiếp, nỗi đau quặn thắt, tê tái trong tâm hồn như hàng nghìn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức khi đứng trước thi hài Bác. Câu thơ như một tiếng nấc nghẹn ngào.

 

2.4: Khổ 4: Cảm xúc của nhà thơ khi rời lăng Bác

  • Câu thơ đầu như một lời giã biệt:

  • Từ “mai” và hai tiếng “miền NAm” gợi sự xa cách vời vợi, sự lưu luyến không muốn rời xa

  • Tình cảm được bộc lộ trực tiếp, vỡ òa “thương trào nước mắt”. Đó không chỉ là tâm trạng của tác giả mà còn là của muôn triệu trái tim người dân Việt Nam.

=> Tâm trạng lưu luyến, tiếc thương

  • Điệp từ “muốn làm” kết hợp với các hình ảnh thiên nhiên đẹp, biểu cảm trực tiếp và gián tiếp tâm trạng lưu luyến, ước muốn chân thành, tự nguyện của tác giả:

  • Muốn làm con chim cất cao tiếng hót trong trẻo

  • Muốn làm đóa hoa tỏa hương thơm thanh cao nơi Bác yên nghỉ

  • Muốn làm cây tre trung hiếu giữ mãi giấc ngủ bình yên cho Người. Hình ảnh “hàng tre” xuất hiện ở đầu bài thơ giờ đây khép lại những dòng thơ cuối vơi một nét nghĩa bổ sung: “cây tre trung hiếu”:

  • Đó là hình ảnh ẩn dụ thể hiện nguyện ước mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã chọn

  • Tạo cho bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng, gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc và dòng cảm xúc của tác giả cũng được trọn vẹn hơn.

  • Các từ ngữ “quanh lăng Bác”, “đâu đây”, “chốn này” gợi không gian gần gũi, thể hiện tình cảm bịn rịn, gắn bó, không muốn rời xa của tác giả.

 

  1. Đánh giá nội dung và nghệ thuật

III. Kết bài

 

  • NÓI VỚI CON

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

II. Thân bài

  1. Khái quát tác giả, tác phẩm

  2. Phân tích

2.1: Phần 1: Cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng

  • Con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ:

+ Bằng các hình ảnh cụ thể, bốn câu thơ đầu tạo được không khí gia đình đầm ấm, tràn đầy tiếng nói, tiếng cười, niềm hạnh phúc của cả cha, mẹ và con. Từng bước đi chập chững của con đều được cha mẹ mong chờ. Người cha muốn nhắc nhở đứa con nhớ và hướng tới tình cảm gia đình, cái nôi nuôi dưỡng con trưởng thành. 

+ Nhịp 2/3 của 4 câu thơ cùng với những từ ngữ “chân phải”, “chân trái”, “một bước”, “hai bước”, “tới cha”, “tới mẹ”, “tiếng nói”, “tiếng cười” vừa diễn tả được bước đi chập chững của đứa con, vừa diễn tả được tình cảm nâng niu, chở che của cha mẹ.

  • Con còn được lớn lên trong sự nuôi dưỡng, đùm bọc của quê hương

+ “Người đồng mình” là người vùng mình, người miền mình, có thể hiểu cụ thể là những người cùng sống trên một miền đất, cùng một quê hương, cùng một dân tộc. Đó là một cách gọi đầy thân thương, chân thành và giản dị của tác giả về người cùng bản với mình.

+ Con người của quê hương mình không chỉ cần cù, chăm chỉ lao động mà còn tài hoa, khéo léo, gửi gắm cả tâm hồn, tình yêu lao động vào những việc làm, những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày: “Đan lờ cài nan hoa / Vách nhà ken câu hát”. Con sẽ lớn lên trong câu hát, nhịp sống và lao động của người đồng mình.

+ Rừng núi quê hương mình đẹp và thơ mộng lắm (Rừng cho hoa), con người quê hương mình sống nghĩa tình, biết sẻ chia nhiều lắm (Con đường cho những tấm lòng). Chính vì vậy, cha muốn con biết rằng con không chỉ được lớn lên bằng tình yêu thương của cha mẹ, mà còn giữa thiên nhiên tươi đẹp của quê hương, trong một dân tộc giàu bản sắc văn hóa, giàu nghĩa tình.

  • Đứa con ra đời là niềm mong mỏi, là kết quả hạnh phúc của cha mẹ nên nhìn con mà “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới / Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”

+ Ngày cưới là khởi nguồn của hạnh phúc. Đó là điểm xuất phát của mọi tình yêu thương trong gia đình. Gia đình chính là cái nôi ấm êm nâng đỡ cho tâm hồn mỗi con người.

+ Cha mong con luôn nhớ, con lớn lên trong tình yêu trong sáng, hạnh phúc của cha mẹ và tình yêu thương của cha mẹ sẽ trở thành điểm tựa, động lực cho con trên bước đường đời.

 

2.2: Phần 2: Cha tự hào nói với con về sức sống bền bỉ, mãnh liệt, về truyền thống cao đẹp của quê hương và cha mong ước con hãy kế tục xứng đáng truyền thống ấy.

  • Những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình:

+ Người đồng mình có ý chí lớn lao, bền bỉ, mãnh liệt: “cao đo nỗi buồn”, “xa nuôi chí lớn” => cách diễn đạt độc đáo, lối tư duy cụ thể của người miền núi, hình ảnh tương phản, song đôi để khẳng định: càng trải qua gian khổ, con người càng được tôi luyện về ý chí.

+ Tình yêu tha thiết, tấm lòng thủy chung, gắn bó với quê hương:

  • “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh”: gợi hoàn cảnh sống thực của người miền núi.

  • “Sống trong thung không chê thung nghèo đói”: gợi nghĩa tình sâu đậm dù hoàn cảnh sống gian khổ, cực nhọc.

  • Cách nói phủ định “không chê” khẳng định tình cảm thủy chung sâu sắc với quê hương.

+ Sống giản dị, lạc quan mà mạnh mẽ, phóng khoáng:

  • So sánh “sống như sông như suối” gợi cuộc sống mộc mạc, hồn nhiên, phóng khoáng

  • Thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” => khó khăn, thử thách trên đường đời. Nhưng trên tất cả, người đồng mình vẫn lạc quan vượt qua, “không lo cực nhọc”

+ Bề ngoài giản dị, thô sơ nhưng tâm hồn giàu ý chí, khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm với quê hương:

  • “tự đục đá kê cao quê hương là hình ảnh mang tính tả thực hành động thường thấy ở miền núi, chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi.

  • Nghĩa ẩn dụ: Quê hương vốn là khái niệm trừu tượng, chỉ nơi chốn sinh thành của một người nào đó. Nói “đục đá kê cao quê hương” để khái quát tinh thần tự tôn, ý thức bảo tồn cội nguồn. Người đồng mình bằng chính bàn tay và khối óc, bằng sức lao động đã xây dựng và làm đẹp giàu cho quê hương, xây dựng để nâng tầm cho quê hương. Còn quê hương là điểm tựa tinh thần với phong tục, tập quán nâng đỡ những con người có chí khí và niềm tin.

+ Nghệ thuật: điệp từ, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể, kết hợp với các kiểu câu ngắn dài khác nhau, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi tuy cuộc sống hôm nay còn vất vả, khó nhọc, “lên thác xuống ghềnh” nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ, khoáng đạt “như sống như suối”, bền bỉ và gắn bó tha thiết với quê hương.

 

  • Đoạn thơ khép lại trong âm hưởng của một lời nhắn nhủ trìu mến với biết bao niềm tin, hi vọng của người cha:

+ Cách viết “tuy thô sơ da thịt” và “không báo giờ nhỏ bé” được lặp lại với bốn câu thơ trước đó để khắc sâu trong lòng con về những phẩm chất cao đẹp của “người đồng mình”.

+ Hai tiếng “lên đường” cho thấy người con khi lớn khôn, khi chuẩn bị hành trang bước vào chặng đường mới mà trong hành trang đó, có một thứ vô cùng quý giá, chính là ý chí, nghị lực, truyền thống quê hương.

+ Hai tiếng “nghe con” khiến cho lời nhắn nhủ với con được gần gũi hơn dưới hình thức đối thoại, lắng đọng bao cảm xúc, ẩn chứa tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con.

=> Lời dặn của cha mộc mạc, dễ hiểu, thấm thía, ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao rằng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống và làm vẻ vang quê hương.

 

  1. Đánh giá nội dung và nghệ thuật

III. Kết bài

 

ĐĂNG KÝ NGAY:
- 2K8 - KHOÁ HỌC KỸ NĂNG + LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC ĐỌC HIỂU : TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC CHẠY VĂN: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC CẤP TỐC: TẠI ĐÂY 

- 2K8 - BỘ VIDEO KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN: TẠI ĐÂY

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan